image banner
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Thành phố Lào Cai : Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, chất lượng cao

Cùng với quá trình phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, thành phố Lào Cai đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, chất lượng cao trên địa bàn thành phố Lào Cai, giai đoạn 2016-2020’, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân.

 

Chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền thành phố Lào Cai quan tâm, chú trọng. Sau khi đề án được phê duyệt, UBND thành phố Lào Cai đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch, Văn bản chỉ đạo hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng và thời vụ theo kế hoạch. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, phường hướng dẫn Nhân dân trong việc triển khai các Kế hoạch, văn bản của UBND thành phố chỉ đạo. Kiểm tra công tác chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng rau an toàn, diện tích rau theo hướng công nghệ cao, VietGAP, công tác phòng trừ sâu bệnh, phòng chống rét cho đàn gia súc gia cầm...Hàng năm trên cơ sở kế hoạch giao, cơ chế hỗ trợ của HĐND thành phố, UBND thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các phòng ban, đơn vị liên quan, huy động được tối đa các nguồn lực xã hội trên địa bàn nhằm đạt được mục tiêu của Đề án. Thành phố tập trung cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước, thực hiện ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất, các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa bước đầu đã thu hút được Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 130 triệu đồng, bằng 100% mục tiêu đề án. 08/10 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề án, bằng 80%; đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng và mở rộng thâm canh, tăng vụ từ 1 vụ lên 2 và 3 vụ. Duy trì trên 100 ha cánh đồng 1 giống tại xã Hợp Thành, năng suất bình quân các năm đạt 59 tạ/ha, đạt 100% mục tiêu đề án. Thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng ngô mật độ cao, tăng năng suất ngô cả năm. Thực hiện gieo trồng 585/585ha. Chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang trồng rau 16,4/16 ha, bằng 102,5% mục tiêu đề án. Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 23,4/23ha bằng 101,7% mục tiêu đề án. Trong đó: Các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân thực hiện đầu tư xây dựng 1,5 ha nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ, bình quân mỗi ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận đạt từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha/năm. Diện tích hoa các loại 6,16 ha tại các xã, phường Cam Đường, Bắc Cường, Thống Nhất, Bình Minh. Duy trì diện tích vùng cây ăn quả ôn đới 37,1 ha Lê tập trung; 162,7 ha chè tuyết Shan, chè Kim Tuyên tại các xã, phường Tả Phời, Hợp Thành, Bắc Cường; 13/162,7 ha chè đạt chuẩn công nghệ cao của Công ty Cổ phần Linh Dương.

Để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, những năm qua thành phố Lào cai đã khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh liên kết thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để đầu tư phát triển sản xuất tập trung với quy mô; chủ động đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình. Hiện nay thành phố có 04 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 03 sao cấp tỉnh, gồm: Dưa vân lưới xã Đồng Tuyển (của Hợp tác xã Trọng Tín), Chuối tiêu hồng xã Vạn Hòa (của Công ty TNHH Phúc Yên), Rượu Mộc xã Đồng Tuyển (của Hợp tác xã Tây Bắc), Dầu lạc MITA phường Cốc Lếu (Hộ sản xuất 017 Ngô Quyền). Các tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè hoạt động có hiệu quả, đủ điều kiện an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Mô hình trồng dưa lưới liên kết giữa HTX Trọng Tín ( ảnh Cao Bá Quý)

Thành phố cũng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng, giá trị sản phẩm. Toàn thành phố có 548 máy móc nông cụ sản xuất nông nghiệp, 15 đơn vị (12 công ty cổ phần, 03 doanh nghiệp tư nhân) kinh doanh máy móc nông cụ sản xuất nông nghiệp. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, các khâu sản xuất tỷ lệ cơ giới hoá còn thấp, nguyên nhân do địa hình canh tác khó khăn; đất sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay đã thực hiện được 8,41ha.

Trong chăn nuôi, tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng trang trại, gia trại, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Hiện tổng đàn đại gia súc 4.300/3.750 con bằng 115% mục tiêu đề án; Lợn thương phẩm 29.400/40.000 con, bằng 73,5% mục tiêu đề án; Đàn gia cầm 232.000/290.000 con, bằng 80% mục tiêu đề án. Trong chăn nuôi đã dần hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hình thức trang trại, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Trên địa bàn có 02 dự án chăn nuôi do doanh nghiệp đầu tư, 22 trang trại chăn nuôi, gần 2.180 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiêu biểu như chị: Nguyễn Thị Nhàn thôn Cánh chín xã Vạn Hòa với mô hình nuôi thỏ, mỗi năm thu từ 100 đến 120 triệu đồng. Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm được duy trì 170/170 ha, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa vào sản xuất một số giống cá có giá trị kinh tế cao như: Cá hồi, cá chiên, cá nheo vàng... góp phần tăng lợi nhuận sản xuất cho các hộ dân gấp 2- 2,5 lần so với phương pháp nuôi thông thường.

Với những kết quả đạt được, có thể thấy sau gần 4 năm thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, chất lượng cao trên địa bàn thành phố Lào Cai, giai đoạn 2016-2020, nhận thức của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực; kinh tế nông nghiệp có bước phát triển, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bắt đầu hình thành nhiều vùng chuyên canh; đã có nhiều mô hình trộng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp phát triển ổn định và có sự gắn kết theo chuỗi giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm và được nhân rộng. Tuy nhiên, tốc độ ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao giá trị thu nhập bình quân trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản vào năm 2025 đạt 140 triệu đồng/ha. Quy hoạch phát triển sản xuất, tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa trên cơ sở vận động và được sự đồng thuận của nông dân để tạo quỹ đất tập trung cho tổ chức, doanh nghiệp thuê đất để tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh việc thâm canh, tăng năng suất, sản lượng lương thực có hạt. Duy trì và phát triển vùng lúa chất lượng cao với quy mô 200ha tại 02 xã Tả Phời, Hợp Thành.Tập trung tích tụ ruộng đất, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tạo các sản phẩm liên kết gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng; chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, liên kết theo chuỗi khép kín sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, để chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, các giống bản địa có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi hữu cơ dựa trên các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương.


 Tác giả: Minh Ngọc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thành phố
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1