image banner
Những điểm mới trong quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Ngày 06/7/2022, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định 69-QĐ/TW.

Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm (gọi tắt quy định 69) thay thế Quy định số 07-QĐ/TW ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

(Hình từ internet)

Quy định gồm 4 chương, 58 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc xử lý kỷ luật; nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Quy định 69 đã bổ sung những điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Gộp chung quy định về kỷ luật tổ chức Đảng và kỷ luật Đảng viên vi phạm

Trước đây, quy định về kỷ luật tổ chức Đảng và kỷ luật Đảng viên vi phạm được nêu tại hai văn bản khác nhau: Quy định 102-QĐ/TW về kỷ luật Đảng viên và Quy định 07-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng. Tuy nhiên, đến Quy định 69 về kỷ luật Đảng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã gộp cả quy định về kỷ luật Đảng viên và kỷ luật tổ chức Đảng vào cùng một văn bản. 

2. Về đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với tổ chức Đảng (gồm cả tổ chức Đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).

3. Quy định về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật đối với đảng viên

Quy định 69 biên tập lại một số tình tiết giảm nhẹ, tặng nặng mức kỷ luật đồng thời bổ sung thêm một số tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật như sau:

3.1. Bổ sung các tình tiết giảm nhẹ mức kỷ luật đối với đảng viên bao gồm:

- Tự giác nộp tài sản tham nhũng.

- Tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

- Vi phạm khi thực hiện chủ trương hoặc thí điểm đổi mới, sáng tạo được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định, không thuộc trường hợp sau: Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

3.2. Bổ sung các tình tiết tăng nặng mức kỷ luật đối với đảng viên bao gồm:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh thực hiện chính sách an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh để trục lợi. Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm. 

- Biết mà không ngăn chặn hoặc để cán bộ, đảng viên thuộc tổ chức mình trực tiếp quản lý xảy ra tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng. 

4. Bổ sung một số định nghĩa trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm

- Chức vụ trong Đảng: Là chức vụ của đảng viên được bầu cử; được cấp có thẩm quyền chỉ định, bổ nhiệm, chuẩn y hoặc các chức danh kiêm nhiệm khác theo quy định của Đảng.

- Chạy chức, chạy quyền: Là các hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất khác, dùng tình cảm nam nữ không trong sáng nhằm mua chuộc, tạo sự ủng hộ của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cho mình hoặc người khác.

- Thờ ơ, vô cảm: Là thái độ bàng quan, vô trách nhiệm trước các hành vi sai trái trong cơ quan, đơn vị và xã hội.

5. Bổ sung trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật đảng viên

Trước đây, Điều 5 Quy định 102 chỉ đặt ra hai khoản quy định về các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật Đảng viên, nay Quy định 69 về kỷ luật Đảng đã bổ sung ba khoản quy định về các trường hợp được miễn hoặc hoãn kỷ luật, chưa thi hành kỷ luật, cụ thể:

(4) Đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý kỷ luật, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.

(5) Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

(6) Vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản cho tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật.

6. Bổ sung nhiều hành vi vi phạm mà đảng viên có thể bị kỷ luật

6.1 Lần đầu tiên có quy định riêng về kỷ luật Đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền

Trước đây, hành vi chạy chức của Đảng viên chỉ là một hành vi bị xử lý kỷ luật trong vi phạm công tác tổ chức, cán bộ với hình thức cao nhất là bị khai trừ khỏi Đảng. Đồng thời tại Điều 13 Quy định 205 về kiểm soát quyền lực có đề cập đến cách xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, Quy định 205 không đề cập cụ thể các hành vi sẽ bị kỷ luật Đảng là gì. Quy định 69/QĐ-TW năm 2022 đã tách hành vi chạy chức, chạy quyền thành một Điều kỷ luật riêng biệt. Cụ thế, tại Điều 30 Quy định 69/QĐ-TW năm 2022 quy định như sau:

"Điều 30. Vi phạm quy định về chong chạy chức, chạy quyền

1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn.

b) Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân.

3. Kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng."

6.2 Đảng viên dùng bằng giả

So với quy định trước đây, Quy định 69 đã bổ sung thêm một số hành vi bị kỷ luật khi sử dụng quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ (Điều 35), như:

          - Khiển trách: Mua, bán, tặng cho văn bằng, chứng chỉ gây hậu quả ít nghiêm trọng (khoản 1 Điều 35).

- Cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ: Cho mượn, thuê văn bằng, chứng chỉ (khoản 2 Điều 35).

- Khai trừ: Dùng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc không hợp pháp để tuyển dụng vào cơ quan, để được kết nạp Đảng, được đi học, bổ nhiệm, thi nâng ngạch… (khoản 3 Điều 35).

6.3. Bổ sung hành vi trong nhóm hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng (Điều 39):

+ Quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, cho chuyển công tác đối với nhân sự là đối tượng đang trong quá trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét xử lý kỷ luật, bị kiến nghị xử lý vi phạm theo kết luận kiểm tra, thanh tra, đang điều tra hoặc giải quyết tố cáo.

+ Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách.

+ Tiết lộ thông tin, đe dọa, trả thù, trù dập người phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

+ Lợi dụng việc phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực để vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Nhờ người khác đứng tên hoặc đứng tên hộ người khác mua bất động sản, tài sản có giá trị nhằm trục lợi, che giấu kê khai tài sản, thu nhập.

+ Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới đầu tư xây dựng công trình giao thông, công trình công cộng gần nhà mình không đúng quy hoạch nhằm trục lợi.

6.4. Bổ sung hành vi trong nhóm hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở (Điều 42):

+ Lấn chiếm đất công để trục lợi.

+ Thông đồng bên mua hoặc bên bán để kê khai giá chuyển nhượng bất động sản, quyền sử dụng đất nhằm trốn thuế, giảm thuế gây thất thoát thu ngân sách nhà nước.

6.5. Bổ sung nhóm hành vi vi phạm quy định quản lý tài nguyên (Điều 44)

6.6. Bổ sung nhóm hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường (Điều 45)

6.7. Bổ sung nhóm hành vi vi phạm quy định về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ (Điều 46)

6.8 Bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với Đảng viên sống chung như vợ chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn

Đây là một trong những điểm mới của Quy định 69 về kỷ luật Đảng viên so với Quy định 102 trước đây. Theo đó, điểm e khoản 1 Điều 51 Quy định 69 nêu rõ:

1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

e) Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng.

Đồng thời bổ sung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về mang thai hộ (điểm g khoản 1, Điều 51).

Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định này; đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng và tổ chức Đảng có liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.

Trần Thị Luyến – UBKT Thành ủy
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1