image banner
Những giáo viên tình nguyện

LCĐT - Với lòng yêu mến dành cho đất nước Việt Nam và mong muốn truyền tải kiến thức cho học viên, sinh viên, những giáo viên tình nguyện người nước ngoài sẵn sàng vượt khó khăn, thiếu thốn để đến, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi đây.

emoticon
Cô giáo Thẩm Á Ni chuẩn bị giáo án lên lớp.

Chuyến bay dài từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đưa cô giáo Nhan Tinh Nguyệt đến Việt Nam. Qua 4 giờ di chuyển bằng  ô tô, cô giáo Nguyệt đặt chân tới Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai - nơi cô tình nguyện làm nhiệm vụ giảng dạy tiếng Trung Quốc cho sinh viên.

Tốt nghiệp Khoa Trung văn, Trường Đại học Hồ Bắc (Trung Quốc), Nhan Tinh Nguyệt tham gia dạy tiếng Trung Quốc cho du học sinh đang học tập tại đất nước mình. Công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo, lại có thu nhập khá, nên Nhan Tinh Nguyệt và người thân rất hài lòng. Qua thông tin đại chúng, Nhan Tinh Nguyệt biết đến Chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Trung cho các nước của Chính phủ Trung Quốc, Nguyệt đăng ký tham gia thi tuyển với mong muốn sẽ có cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ở môi trường làm việc mới. Vốn là con gái độc nhất trong gia đình, nên khi biết tin, bố mẹ cô lo lắng, phản đối quyết định này. Bản tính kiên định, Nguyệt vừa chăm chỉ ôn luyện kiến thức, vừa thuyết phục cha mẹ. Trải qua những kỳ thi tuyển căng thẳng, khó khăn, Nguyệt đã trúng tuyển, cô có nhiều sự lựa chọn về địa điểm làm việc tại các quốc gia trên thế giới. Vốn yêu mến đất nước, con người Việt Nam, lại biết thêm thông tin Lào Cai là tỉnh biên giới, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nên Nguyệt quyết định chọn Lào Cai là điểm đến trên hành trình tình nguyện.

Trong môi trường làm việc mới với cộng sự mới, điều kiện mới, cô giáo Nhan Tinh Nguyệt nhanh chóng làm quen và bắt kịp những thay đổi. Vẫn là giáo trình, sinh viên và giảng đường nhưng cô đã tiếp cận và thay đổi cho phù hợp với cách dạy, cách học và trình độ của sinh viên người Việt. Cô phát huy tối đa lợi thế về cách phát âm, ngữ pháp để rèn luyện cho sinh viên trong mỗi giờ lên lớp. Ngoài bài giảng theo kế hoạch, cô giáo chia sẻ câu chuyện thú vị về văn hóa, con người Trung Quốc để sinh viên có thêm hiểu biết. Sau giờ học,  sinh viên cũng giúp cô học thêm tiếng Việt, dẫn cô giáo đi tham quan, mua sắm. Khi dạy học tình nguyện, cô Nguyệt biết rằng sẽ có nhiều thiệt thòi về vật chất, điều kiện làm việc nhưng đổi lại, cô có thêm những trải nghiệm quý báu, đặc biệt là tình cảm gắn kết, yêu thương giữa cô - trò, đồng nghiệp người Việt Nam.

Giờ lên lớp của cô giáo Thẩm Á Ni (Trung tâm Hán Ngữ tỉnh Lào Cai) thường bắt đầu bằng câu chuyện vui trong cuộc sống hoặc một bài hát tiếng Việt hay tiếng Trung do chính thành viên trong lớp thể hiện. Nhờ đó, cô giáo Ni luôn tạo được sự gần gũi giữa học viên - giáo viên, đồng thời tăng thêm hứng thú cho học viên trong tiết học. Cô cho biết: Với cách làm này, học viên bớt căng thẳng khi tiếp thu bài mới. Mặt khác, đây cũng là cách rèn luyện khả năng nghe, nói cho học viên rất tốt.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Hán đối ngoại tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, cô gái xinh đẹp Thẩm Á Ni (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đứng trước nhiều cơ hội việc làm tốt ngay tại quê hương. Tuổi trẻ đam mê khám phá, cống hiến, nên cô chọn dạy học tình nguyện tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) dù biết rằng sẽ có nhiều khó khăn. Làm việc tại Trung tâm chưa lâu, nhưng cô Ni nhanh chóng bắt nhịp với công việc, cuộc sống. Điều cô ấn tượng nhất chính là sự chăm chỉ học tập của học viên người Việt. Không chỉ tập trung lắng nghe, trao đổi với giảng viên trong giờ học, học viên tranh thủ nêu ý kiến nhờ cô giáo giải đáp về bài học khi nghỉ giải lao. Các bài tập giao về nhà đều được học viên hoàn thành đầy đủ. Chính điều này khiến cô thêm động lực, quyết tâm giảng dạy, hỗ trợ học viên học tập hiệu quả nhất. Cô giáo Thẩm Á Ni được phân công dạy nhiều lớp ở các trình độ khác nhau, thời lượng 16 tiết/tuần. Kết thúc giờ làm việc, cô dạo quanh phố, phường, các khu chợ, siêu thị để học thêm tiếng Việt, tìm hiểu về cuộc sống. Được cử đi dạy tình nguyện trong thời gian 1 năm nhưng cô giáo Thẩm Á Ni có ý định xin ở lại dạy thêm 2 năm nữa bởi tình yêu, lòng cảm mến với đất, người Lào Cai.

Những giáo viên tình nguyện “ngoại” như cô Thẩm Á Ni, Nhan Tinh Nguyệt giúp học sinh, sinh viên Việt Nam học ngôn ngữ người bản địa, nâng cao chất lượng học ngoại ngữ. Không nhận lương từ cơ sở giáo dục sở tại nhưng bằng tất cả trách nhiệm của người thầy, tình yêu với đất nước, con người Lào Cai, giáo viên tình nguyện vẫn nỗ lực từng ngày, tận tâm vun đắp cho những mầm xanh…



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1