image banner
Lặng thầm Mẹ Việt Nam anh hùng
Chiến tranh qua đi đã 40 năm, “những vết thương thịt da” cũng dần lành theo năm tháng, nhưng “vết thương lòng” của những người mẹ, người vợ đã hy sinh xương máu, hy sinh những người thân yêu nhất cho Tổ quốc dường như chưa bao giờ nguôi ngoai. Sự hy sinh, mất mát vì chiến tranh vẫn là vết thương khó lành, trong đó có lẽ sự mất mát của những bà mẹ là lớn lao nhất.

Theo sự giới thiệu của cán bộ phường Cốc Lếu, chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan ở tổ 15 phường Cốc Lếu. Năm nay mẹ đã bước sang tuổi 97, mẹ đang sống vui vẻ cùng con trai, con dâu và các cháu nội. Tóc mẹ đã bạc trắng màu sương gió, đôi chân đã không thể đi nhưng những gì thuộc về ký ức thì mẹ không thể nào quên.

Mẹ quê ở Hà Nam, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, mẹ lấy chồng, sinh được 8 người con, cuộc sống cơ cực nuôi 8 người con không dễ. Vậy mà khi chiến tranh nổ ra, mẹ và chồng vẫn nhiệt tình đi làm cách mạng, mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ trong nhà, tiếp tế lương thực cho cán bộ ở căn cứ cách mạng. Rồi các con của mẹ lớn lên đều theo bước chân cha mẹ mình tham gia kháng chiến. “Hai lần tiễn con đi”, 2 lần mẹ “khóc thầm lặng lẽ”. Khóc vì các con ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại.

 emoticon
 Đoàn lãnh đạo thành phố viếng Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ phường Cốc Lếu
Năm 1968, người con trai thứ 2 của mẹ là Nguyễn Văn Từ lên đường vào Nam chiến đấu. Chỉ hai năm sau, năm 1970, mẹ nhận được tin cho trai mẹ đã hi sinh ở tuổi 23. Cái tuổi đẹp nhất của thời thanh niên. Gạt nước mắt vào trong, nén nỗi đau trong lòng, cũng trong năm ấy, mẹ tiễn người con trai thứ 3 của mẹ là Nguyễn Văn Nước vào chiến trường miền Nam. Trong 4 năm tham gia chiến đấu, anh Nước chỉ một lần duy nhất về quê thăm mẹ, được mẹ dạm ngõ, hỏi vợ ngay trong một ngày phép đấy. Ngày hôm sau, anh vội vã trở về đơn vị làm nhiệm vụ. Niềm vui trăm năm chưa được chọn vẹn, mẹ và vợ anh không ngờ đó là lần gặp cuối cùng, anh đã một đi không bao giờ còn trở lại. Anh đã hi sinh trước một năm đất nước thống nhất, anh đã không kịp chứng kiến ngày vui giải phóng trọn vẹn non sông. Các anh ra đi khi tuổi đời mới chỉ mười tám đôi mươi, có anh vẫn chưa kịp cưới vợ, sinh con đẻ cháu cho mẹ ẵm bồng. Nỗi đau mất con như xé ruột, xé gan nhưng mẹ vẫn kiên cường để tiếp tục phục vụ cách mạng và nuôi dạy những đứa con còn chưa đến tuổi trưởng thành, để rồi một ngày chúng lớn lên sẽ tiếp bước theo tấm gương của cha và các anh mình lên đường cứu nước.

Chia tay với mẹ Lan, chúng tôi đến thăm mẹ Nguyễn Thị Hà ở phường Duyên Hải. Mẹ năm nay đã 84 tuổi, mắt mẹ đã không nhìn thấy gì nữa những mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Mẹ kể, chồng mẹ 10 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, may mắn ông lành lặn trở về. Mẹ sinh được 7 người con thì có 3 người con đi bộ đội, trong đó có 2 người ra đi không bao giờ trở lại. Đó là đứa con trai Nguyễn Văn Dũng, cô con gái bé bỏng Nguyễn Thị Hồng. Họ đều hi sinh khi tuổi còn rất trẻ. 40 năm trôi qua sau ngày hòa bình lập lại, dù đau thương nhưng mẹ luôn tự hào vì có những đứa con hy sinh cho cách mạng. Bởi mẹ hiểu đất nước chiến tranh thì không chỉ có mẹ mà còn nhiều bà mẹ khác trên mảnh đất này cũng phải đón nhận nỗi đau mất con như thế. Trong ký ức của mẹ, trước khi trở thành những chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, anh Dũng, chị Hồng đều là những người con ngoan ngoãn, hiếu thảo, đỡ đần mẹ trong công việc gia đình.

Mẹ Nguyễn Thị Lan và mẹ Nguyễn Thị Hà cũng như các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước ta đều là những người phụ nữ đã sống qua 2 cuộc chiến tranh của Tổ quốc, cả cuộc đời các mẹ sẵn sàng hiến dâng những điều quý giá nhất cho hòa bình, thống nhất đất nước. Khi Tổ quốc cần, các mẹ không ngần ngại đưa tiễn chồng, con ra chiến trường làm nhiệm vụ. Giờ đây, trong thời bình, niềm vui lớn nhất của các mẹ là thấy được con, cháu trưởng thành, ngoan ngoãn, học giỏi. Các mẹ vẫn luôn tự hào vì đã sinh ra những chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc chứ không bao giờ oán trách hay ân hận khi con mình hy sinh.

Câu chuyện hy sinh thầm lặng của cuộc đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của thành phố Lào Cai cũng chính là những hình mẫu của rất nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Lào Cai nói chung và của dải đất “hình chữ S” này. Không thể đong đếm được những nỗi đau các mẹ đã phải gánh chịu để đất nước được nở hoa độc lập, kết trái tự do ngày hôm nay. Trân trọng, ghi nhớ và tri ân những cống hiến vô giá của những người mẹ, người vợ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các mẹ. Theo thống kê, đến nay, toàn thành phố đã có 7 Mẹ được Chủ tịch nước truy tặng và trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện tại 3 Mẹ còn sống. Thành phố Lào Cai đã quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với các mẹ. Hiện tất cả các Mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng, trong thời gian qua, các gia đình có công, gia đình chính sách, đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn từng bước có cuộc sống ổn định.

Để có được cuộc sống thanh bình, ấm no như ngày hôm nay, biết bao gia đình phải chia lìa, rất nhiều bà mẹ vĩnh viễn không được gặp con. Tổ quốc mãi ghi công những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng. Hình ảnh của những người phụ nữ kiên trung như mẹ Lan, mẹ Hà mãi là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1