image banner
Chuyện về cách đặt tên đường phố sau khi tái lập thị xã tỉnh lỵ Lào Cai

Trong bộn bề công việc của những năm tái lập thị xã tỉnh lỵ Lào Cai, lãnh đạo thị xã Lào Cai đã có kế hoạch đặt tên đường phố, không để “nhà không số, phố không tên”…

Đường Quy Hóa, phường Kim Tân

 Ông Nguyễn Văn Thắng – Nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Lào Cai (1992-1994) kể lại: Ông được giao phụ trách làm dự thảo đặt tên đường phố Lào Cai để trình tỉnh. Đây là một việc vô cùng mới mẻ nhưng rất đáng tự hào, cũng đầy khó khăn. Bởi ngày đó, việc đặt tên đường phố ở một thị xã miền núi, nhất là một thị xã mới được tái lập khá mới. Đa số người dân quen với tên gọi kỹ thuật như N1, N2, cây 3, cây 7… Ông Thắng kể lại: Lúc đầu chưa ai được đặt tên đường phố bởi vì dân còn ít. Tên toàn đặt theo bản đồ, N1 tức là nhánh 1, N7 là nhánh 7, N3 là nhánh 3… Tất cả sau gọi lâu trở thành tên, thị xã cũng nhìn thấy nguy cơ, Bí thư lúc đó đã bàn phải nhanh chóng đặt tên, thay những kí hiệu của quy hoạch, của xây dựng bằng tên, tôi giao cho Phòng Tổ chức là thường trực.

Ngay khi được giao nhiệm vụ đặt tên đường phố. Ông Thắng đã nghiên cứu bản đồ quy hoạch, tham khảo tiêu chuẩn danh nhân của viện Sử học, mua bản đồ các thành phố, lần giở Đại Việt sử ký toàn thư, đọc lịch sử Đảng bộ Hoàng Liên Sơn, thống nhất kích cỡ, loại đường, vị trí, độ quan trọng của từng đường phố. Các anh em chuyên viên, mỗi người một bản đồ về nhà, mỗi người một dự kiến. Sau đó gặp nhau, trao đổi, bàn bạc, thảo luận. Sau gần 1 tháng, 86 đường phố đã có tên dự thảo. Dự thảo tên đường phố thị xã Lào Cai ngày ấy là một công trình tập thể được mọi người quan tâm, tham gia góp ý, tên gọi đường phố có bản sắc Lào Cai.

Từ đây, các con đường N1, N2… dần được thay thế bằng những cái tên như Mường Than, Trung Đô, Nghĩa Đô, Nhạc Sơn, Lê Quý Đôn, Tuệ Tĩnh, Hoàng Sào, Duyên Hải… là nhớ đến các liệt sỹ đã hi sinh cho mảnh đất này. Phố Quy Hóa, Thủy Vĩ… để nhớ lịch sử một vùng đất từ xa xưa đã là một phần không thể tích rời của nước Đại Việt ngàn năm văn hiến. Các vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Huệ cùng bao danh tướng vẫn hàng ngày nhắc cháu con phải biết gìn giữ tấc đất của biên cương Tổ quốc, hay như tên đường Nguyễn Công Hoan để thể hiện người thầy đã từng dạy học ở Lào Cai…Tất cả các tên cũ như: Sơn Tùng, Sơn Đen, Sơn Đạo, Cốc Lếu được nâng niu gìn giữ…. Còn một số tên đặt mang tính ước lệ, mong muốn như: Phố Quang Minh, ngõ An Bình, phố An Hòa, đường Thủy Hoa…. Hay như đường Hoàng Liên được đặt tên để biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu của Lào Cai.

Cuối năm 1993, thị xã Lào Cai chính thức có 86 tên đường phố, các số nhà đã được gắn trên toàn thị xã. Từ đây “nhà Lào cai đã có số, phố Lào cai đã được đặt tên”...

Ba thập kỷ qua, đường phố của thị xã – thành phố Lào Cai có nhiều thay đổi, nhất là sau khi sáp nhập 2 thị xã, những trường hợp tên đường phố bị trùng đã kịp thời được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Không chỉ xưa, thời nay, việc đặt tên đường phố luôn được quan tâm, đến nay đã cơ bản hoàn thiện. Tên đường phố không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý đô thị hoặc trong cách gọi tên và nhận biết địa chỉ giao dịch, tăng thêm sự văn minh của đô thị mà mỗi tên đường, tên phố còn tích hợp nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tiêu biểu của các danh nhân hay một vùng đất, một dân tộc.

Hôm nay, thành phố Lào Cai đã có thêm hàng chục tên mới, đường mới, việc đặt tên đường phố vẫn được thực hiện theo tiêu chí: Vừa đúng với quy định của Nhà nước, vừa giữ gìn được truyền thống bản sắc văn hóa của địa phương. Việc đặt tên đường phố những ngày đầu tái lập thị xã tỉnh lỵ sẽ mãi là kỷ niệm đẹp mà những người như ông Thắng không bao giờ quên.

Kim Hoàn Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thông TP Lào Cai



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1